Cựu chiến binh Nguyễn Trọng Thành là một trong những người Hà Nội có thú chơi cây cảnh đạt đến độ kì mĩ. Niềm đam mê, sự dấn thân, cùng với sự trả giá cho biết bao tâm huyết vì cây cảnh nghệ thuật đã giúp ông tạo nên Thành Công kỳ viên khu vườn cảnh tuyệt đẹp và nổi tiếng trong làng cây cảnh.
“Thành Công kỳ viên” là tên ghép của ông Thành và người con trai, với khuôn viên rộng 2.800m2 ở Yên Sở, Hoàng Mai, Hà Nội. Đến đây, người ta có cảm giác lạc vào thế giới tiên cảnh, bởi hội tụ hơn 200 cây cảnh giá trị, với hơn 40 chủng loại như: tùng, sanh, sung, duối, du, đa, đề, lộc vừng, nguyệt quế, vọng cách, tường vi, mai chiếu thủy…
Chủ nhân của Thành Công kỳ viên - Ông Nguyễn Trọng Thành |
Giới chơi cây đánh giá, vườn cây của ông Nguyễn Trọng Thành hội tụ bốn yếu tố: Mộc, thạch, ngư, cầm (cây, đá, cá, chim). Mỗi tác phẩm lại được hội tụ đủ bốn yếu tố của một tuyệt tác: cổ, kì, mĩ, văn và chứa đựng tính triết lí, nhân văn sâu sắc. Những người chơi kì công, nổi tiếng miền Bắc khi đến thăm, đều trầm trồ trước những cây “khủng” của ông Thành. Tiêu biểu như: Cây sanh thế huynh đệ tương cố (anh em sống có nhau); cây tùng la hán thế thanh tùng ngạo tuyết (tùng xanh khinh tuyết); rồi các cây có thế bạch ốc xuất công khanh (nhà nghèo sinh bậc công hầu); mẫu tử tương thân (tình mẹ con sâu nặng); phụ tử đồng khoa (cha con đồng khoa)…
Tác phẩm Hồn Quê |
Nhưng có lẽ, không thể bỏ qua tiểu cảnh non bộ ở thế đắc địa, giữa trung tâm vườn. Đó là một con rồng thiên tạo, ngoái đầu nhìn khối đá hình rùa, đang cõng trên lưng tảng đá hình phụ tử, đầu rùa cũng như ngoái lại nhìn tảng đá. Ở khu vực này, ông Thành tạo thác nước chảy róc rách, đổ xuống hồ nhỏ có tung tăng cá lượn và hoa súng tím. Quanh tiểu cảnh này, có đồi tùng “Sơn hạ vân cẩm” với những ngọn thông vươn thẳng lên trời xanh. Ông Thành giải thích: “Đồi tùng và núi đá đứng bên nhau tượng trưng cho vạn cổ trường tồn, vạn cổ trường sinh. Để tạo được vẻ đẹp như vậy, tôi phải tốn nhiều công, nhiều tiền đi sưu tầm đá và nghiên cứu làm sao để không chỉ đẹp mà còn thể hiện quan điểm của tôi”.
Ông Thành cũng cho biết thêm, để có một tác phẩm phải thực hiện trong nhiều năm sáng tạo. Nghệ sĩ tạo cây khác nhiều với họa sĩ, là để làm sao đến cả chục năm sau vẫn cho ra tác phẩm từ ý tưởng ban đầu. Đồng thời, nghệ sĩ tạo cây phải hội tụ nhiều yếu tố, trong đó phải hiểu kĩ thuật, nông nghiệp, phong thủy chứ không chỉ biết cắt tỉa cây.
Dấn thân cho đam mê
Nguyễn Trọng Thành sinh năm 1964 ở “vựa cá” Yên Sở. Năm 1988 anh xuất ngũ, về công tác ở quận Hai Bà Trưng. Ngay từ nhỏ Thành đã thích trồng cây cảnh. Tuổi thanh niên, nhiều khi đã hẹn bạn gái đi chơi, nhưng nghe thấy bè bạn mua được cây đẹp là anh đến xem bằng được, quên cả hẹn...
Tác phẩm Thanh Tùng Ngạo Tuyết |
Năm 1995, bắt đầu đến với “nghiệp chơi” và qua nhiều lần đi tìm hiểu, Nguyễn Trọng Thành ngộ ra chơi cây đâu chỉ thưởng thức vẻ đẹp mĩ mãn của nó mà còn vì những triết lí nhân văn. Có lần, ông mua một số cây phôi, trong đó có cây sanh khá đẹp trị giá hơn 4 triệu đồng ở Nam Định, chỉ một thời gian sau có “đại gia” trả giá 40 triệu đồng, ông không bán. Hai tháng sau ông ta lại đến mua giá cao hơn. Sau triển lãm sinh vật cảnh năm 2008 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, có người lại trả giá 2 tỉ, ông Thành vẫn lắc đầu. “Cây đó tôi không bán, mà qua nhiều năm, tôi công phu tạo thành tác phẩm “Hồn quê” với cổ thụ tỏa bóng xuống bến nước, sân đình, và có những con đò nhỏ.
Năm 2006, cũng là năm ông Thành tạo dựng “Thành Công kỳ viên”, khi gặp một cây tùng la hán tuyệt đẹp. Quá ngưỡng mộ vẻ đẹp kì vĩ của cổ thụ, ông quyết mua. Phải sau nhiều lần nói chuyện, chủ nhân mới chịu nhượng lại. Trở về, ông lập tức bán nhà phố Lò Đúc, đem tiền đến trả và mang cây về. Giờ đó là một trong nhưng cây tùng đẹp nhất ở Việt Nam. Còn rất nhiều cây khác mà trước đó, ông Thành đã dám bỏ cả đống tiền để mua về. Có người cho là “Thành hâm”, bởi cách chơi như “ném tiền qua cửa sổ của ông”. Quả thực, ông dấn thân cho đam mê, đến nỗi bỏ 5, bỏ 10 để thu được 1 và có lúc, giá cây sốt, nhiều đại gia Hà thành tung ra thị trường, trở nên giàu có thì ông cứ khư khư ôm cây quý và thực hiện ý tưởng... Đó là một triển lãm vào năm 2010, dịp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Nguyễn Trọng Thành là nghệ nhân duy nhất được Nhà nước cấp phép triển lãm trong vòng một tháng. Thời gian ấy, vườn cây của ông đã đón hàng vạn khách. “Tôi chơi cây, vất vả để có cây nghệ thuật, thì tôi chấp nhận và để mình thưởng thức, chứ nếu bán độ sốt cây, thì tôi đã quá giàu rồi” - ông Thành cho biết.
Kinh doanh nghệ thuật không dễ
Người Hà Nội có thú chơi cây cảnh từ lâu, nhưng không ồ ạt mà chọn những cây thế được uốn tinh xảo, thành một tác phẩm hoàn cảnh. Khách đến với “Thành Công kỳ viên”, là đến với thú chơi rất kĩ của người Hà Nội, thú chơi hàng “độc”, hàng “khủng” của các “đại gia”. Ở “Thành Công kỳ viên”, có đủ các thế như: trực, hoành, xiên, huyền... Với sự trầm lắng nhưng sâu sắc của người chơi Hà thành, họ luôn coi trọng ý tưởng thể hiện ở cây, đó là các triết lí, và ngoài ra tác phẩm cây phải biểu hiện được cả một giai đoạn lịch sử của đất nước.
Người chơi cũng như người kinh doanh cây cảnh phải hội tụ nhiều tố chất. Và thật sự, kinh doanh cây cảnh nghệ thuật không đơn giản, bởi mỗi người có một cảm nhận riêng về nó, và không ai có thể định giá chính xác cho nó. Bởi theo người chơi, nghệ thuật là vô giá. Ấy thế cũng nhiều “đại gia” đã điêu đứng vì kinh doanh cây cảnh thất bát, do suy giảm kinh tế, các công trình xây dựng đình trệ nên nhu cầu sử dụng cây cảnh cho công trình cũng ít đi. Thành nói: “Tôi không chú trọng vào kinh doanh nên tôi chịu thiệt nhiều và cái được của tôi chính là vinh quang, giờ thật hạnh phúc là những cái cây đẹp vẫn còn ở với tôi!”.
Xin phép được giới thiệu một vài hình ảnh đẹp về Thành công kỳ viên:
Thành Công kỳ viên nhìn từ trên cao |
Một cây hơn trăm tuổi |
Nguồn http://hanoitv.vn
+ comments + 3 comments
Cần bán nhà phố tại tphcm ở đâu ?
Xem chi tiết tại : http://goo.gl/ErKCwf
Mọi người mua cây lim xẹt tại Hoàng Nguyên Green chưa a?
đẹp quá đi mất thôi, muốn đến đây quá
Hoàng Nguyên Green
Post a Comment